Đánh giá của các sử gia và công chúng Thaddeus_Stevens

Theo người viết tiểu sử về Stevens là Richard N. Current từng viết, "để biết được các động cơ của người này, nhà sử học cần sự giúp đỡ của hai chuyên gia từ ngoài nghề – một nhà phân tâm học và một nhà duy linh."[184] Các quan điểm lịch sử về Thaddeus Stevens đã có nhiều biến chuyển lớn từ khi ông qua đời, thường theo hướng ngược chiều đối với Andrew Johnson. Những tác phẩm tiểu sử ban đầu về Stevens là do những người quen biết ông ghi chép, và thể hiện quan điểm của họ. Những tiểu sử được viết vào thời điểm chuyển vào thế kỷ 20, như của Samuel McCall năm 1899 và của James Albert Woodburn năm 1913, miêu tả ông một cách thiện cảm, như là một người chân thành, làm theo nguyên tắc đạo đức.[185] Nhà sử học người Mỹ gốc Phi ban sơ W. E. B. Du Bois gọi Stevens là "một nhà lãnh đạo cho thường dân" và là "một người tin tưởng nghiêm nghị vào nền dân chủ, trong chính trị lẫn công nghiệp".[186] Nhà sử học giành Giải Pulitzer James Ford Rhodes lý luận rằng tuy Stevens có "sự đồng cảm sâu sắc" đối với người Mỹ gốc Phi, "đến thẳng từ trái tim", ông cũng đã biểu thị "tính hiểm ác đối với miền Nam" cũng như "gay gắt và thù oán".[186] Quan điểm về Stevens với thù oán đã có từ thời Tái thiết và tồn tại trong thế kỷ 20.[187]

Ralph Lewis trong vai Austin Stoneman và Mary Alden trong vai Lydia Brown, The Birth of a Nation, 1915

Với quan điểm về cuộc Tái thiết của Trường phái Dunning xuất hiện sau 1900, Stevens tiếp tục bị đánh giá thấp, và thường được cho là có động cơ từ sự thù ghét. Những sử gia này, do William Dunning dẫn đầu, thuyết giảng rằng cuộc Tái thiết cơ hội cho những nhà chính trị cấp tiến, với mối thù oán đến miền Nam, để mà tiêu diệt những tàn tích cuộc sống và phẩm giá miền Nam mà chiến tranh đã để lại.[188][189][190] Chính Dunning đã miêu tả Stevens là "tàn bạo, thù oán, và cay độc".[188] Lloyd Paul Stryker, người viết một cuốn tiểu sử đề cao Johnson, gọi Stevens là "một lão già xấu xa ... đang mánh khóe chuẩn bị bóp nghẹt thân thể tiều tụy, đang chảy máu của miền Nam", người tin tưởng rằng "đó là một điều tốt đẹp" khi nhìn thấy "người da trắng, đặc biệt là phụ nữ da trằng miền Nam, đang quằn quại dưới sự thống trị của bọn da đen".[190][191] Năm 1915, bộ phim The Birth of a Nation của D. W. Griffith (dựa vào tiểu thuyết The Clansman, của Thomas Dixon Jr.) được ra mắt, trong đó có nhân vật Dân biểu Austin Stoneman đần độn và dễ bị chi phối, người có nhiều điểm tương đồng với Stevens bao gồm cả bộ tóc giả không vừa cỡ, bước đi khập khiễng, và người tình Mỹ gốc Phi tên Lydia Brown. Hình ảnh đại chúng này đã tăng cường những thành kiến của công chúng đối với Stevens.[192][193] Theo Foner, "trong khi các nhà sử học đề cao tính cao thượng của Lincoln và Andrew Johnson, Stevens lại trở thành tượng trưng cho sự hiểm độc, thù oán, và căm ghét không lý trí của người miền Bắc đối với miền Nam."[194] Nhà sử học nổi tiếng James Truslow Adams miêu tả Stevens "có lẽ là nhân vật hèn hạ, hiểm ác, mất đạo đức nhất từng thăng tiến đến quyền lực cao ở Mỹ".[195]

Những nhà sử học viết tiểu sử về Stevens cuối thập niên 1930 dần dần quay khỏi quan điểm này, với ý định khôi phục vị thế và sự nghiệp chính trị của ông. Thomas F. Woodley trong năm 1937 đã tỏ lời thán phục Stevens, nhưng lại cho rằng các nỗ lực của ông là do cay đắng vì tật quẹo chân. Alphonse Miller, trong cuốn tiểu sử năm 1939, cho rằng vị dân biểu lấy động cơ thúc đẩy từ niềm khát khao công lý. Cả hai người đều tin rằng những quyển sách xuất bản vào thời điểm đó đã không đối xử ông một cách công bằng. Tác phẩm năm 1942 của Richard Current thể hiện trường phái sử Beard, trong đó miêu tả toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ, kể cả giai đoạn Tái thiết, là sự đấu tranh kinh tế giữa ba phe: các nhà công nghiệp miền Đông Bắc (mà Stevens đại diện), những nhà trồng trọt miền Nam, và các nông dân miền Trung Tây. Current lập luận rằng động cơ của Stevens trong việc thúc đẩy các chính sách Tái thiết của mình là từ những tham vọng đã thất bại và mong muốn dùng vị thế của mình để đẩy mạnh nền tư bản công nghiệp và Đảng Cộng hòa. Ông kết luận rằng mặc dù Stevens có niềm tin về sự bình đẳng, ông đã đề xuất sự bất bình đẳng, vì "không một ai khác đã làm nhiều hơn ông để đem lại thời đại Công nghiệp Lớn, với sự tập trung của cải đó."[196]

Với tiểu sử Stevens xuất bản năm 1955 của Ralph Korngold, phe trường phái sử học tân bãi nô (neoabilitionism) đã xét lại Stevens. Những giáo sư này bác bỏ quan điểm rằng những người đến miền Nam để giúp đỡ người Mỹ gốc Phi là những "kẻ gói thảm bất lương" bị "người cứu rỗi thần thánh" đánh bại. Thay vào đó, họ đề cao những người có nỗ lực kết thúc chế độ nô lệ và đẩy mạnh dân quyền, và chỉ trích Johnson gay gắt về chủ trương phá rối. Họ lấy quan điểm rằng người Mỹ gốc Phi đóng vai trò trọng tâm trong cuộc Tái thiết, và điều sai lầm duy nhất của chương trình của Quốc hội là nó không đi đủ xa và đã bị kết thúc lại quá sớm. Tiểu sử năm 1959 của Brodie về Stevens đi theo trường phái này. Dù gây tranh cãi vì nó dùng tâm lý học để đi đến kết luận, quyển tiểu sử đã miêu tả Stevens là một người đồng cảm với tầng lớp bị áp bức và đã giành được thành công từ trí thông mình của mình, trong khi ý thức về tật quẹo chân của mình đã gây trở ngại cho phát triển xã hội.[197][198] Theo Brodie, việc này cũng đã khiến ông không muốn kết hôn một phụ nữ có cùng địa vị xã hội.[199]

Các nhà nghiên cứu đi sau Brodie tiếp tục phản bác ý tưởng rằng Stevens là một nhà độc tài muốn báo thù, là người chi phối Quốc hội để đạt được mục đích. Năm 1960, Eric McKitrick cho rằng Stevens là "một chính khách sinh động và khéo léo, nhưng rất là hạn chế" với sự nghiệp chỉ là "một dãy dài hài hước gồm nhiều kế hoạch quỷ quái nhưng đều lần lượt đem lại thất bại".[200] Kể từ giữa thập niên 1970, Foner lập luận rằng vai trò của Stevens là giành vị thế cấp tiến, nhưng ông nhận được sự ủng hộ từ Đảng Cộng hòa là do các sự kiện diễn ra chứ không phải là do chính ông. Michael Les Benedict trong năm 1974 đưa giả thuyết rằng danh tiếng về Stevens là một kẻ độc tài dựa vào tính cách hơn là ảnh hưởng của ông. Trong năm 1989, Allan Bogue cho rằng với địa vị chủ tịch Ủy ban Tài chính, Stevens "không làm chủ toàn vẹn" ủy ban của mình.[201]

Nhà sử học Hans Trefousse trong một nghiên cứu năm 1969 về phe Cộng hòa Cấp tiến viết rằng "niềm đam mê tha thiết" của Stevens là sự bình đẳng.[202] Vào năm 1991, ông ghi nhận rằng Stevens "là một trong những dân biểu có ảnh hưởng nhất từng phục vụ trong Quốc hội. [Ông đã thống trị] Hạ viện với trí khôn, sự am hiểu về luật lệ nghị trường, cũng như sức mạnh của ý chí mình, mặc dù ông thường không thành công."[203] Trong cuốn tiểu sử năm 1997 về Stevens, Trefousse lại có quan điểm giống như McKitrick: rằng Stevens chỉ là một nhân vật bên lề, và ảnh hưởng của ông thường bị hạn chế bởi sự cực đoan của mình.[204] Trefousse tin rằng Brodie đã đi quá xa – trong việc quy trách nhiệm nhiều điều về Stevens vào tật quẹo chân và đặt tin tưởng hoàn toàn vào mối quan hệ giữa Stevens và Smith – hai vấn đề mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ.[205]

Lời ứng phó và lời nói mỉa mai của Stevens được ca tụng. Khi Lincoln hỏi liệu nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa từ Pennsylvania Simon Cameron, người thường bị cáo buộc tham nhũng, có phải là một tên trộm hay không, Stevens được cho là trả lời "Tôi không tin rằng ông ta sẽ ăn cắp một cái lò hãy còn nóng hổi."[206] Khi Cameron nghe biết và phản đối lối miêu tả này, Stevens được cho là đã nói với Lincoln "Tôi nhớ tôi đã nói với ông rằng ông ta sẽ không ăn cắp một cái lò hãy còn nóng hổi. Tôi rút lại câu nói đó."[207] Bộ tóc giả không vừa cỡ cũng là một đề tài được bàn tán ở Washington, nhưng khi một người phụ nữ hâm mộ dường như không biết xin hỏi một mớ tóc để làm lưu niệm, ông đã tháo ra bộ tóc giả rồi đưa cho bà, mời bài cắt bất cứ mớ nào mà bà muốn.[208]

Trong phim Lincoln năm 2012 của Steven Spielberg, với vai Stevens do Tommy Lee Jones đảm nhận, đã đem lại nhiều chú ý từ công chúng đến Stevens. Nhân vật mà Jones thủ vai được miêu tả là đóng vài trò trung tâm trong các phe cấp tiến, người đã có công lớn trong việc thông qua Tu chính án 13. Nhà sử học Matthew Pinsker ghi nhận rằng Stevens chỉ được nhắc đến bốn lần trong quyểnTeam of Rivals của Doris Kearns Goodwin, là nguồn cho kịch bản của Tony Kushner; những nhân vật cấp tiến khác đã được hòa nhập vào nhân vật Stevens. Stevens được miêu tả là không thể điều độ quan điểm mình để cho tu chính án được thông qua cho đến khi được Lincoln thôi thúc.[209] Theo Aaron Bady trong bài viết về bộ phim và cách nó miêu tả phe cấp tiến, "ông ta là người bác mà mọi người đều bị lúng túng, dù họ quý ông nên không nói để khỏi phật lòng. Ông không phải là một nhà lãnh đạo, mà là một món nợ, mà khoảnh khắc anh hùng là khi ông giữ im lặng về những gì mình tin tưởng."[210] Bộ phim cũng miêu tả mối quan hệ tình dục giữa Stevens và Smith; Pinsker bình luận rằng "có thể là đúng là hai người này đã yêu nhau, nhưng khi đưa vấn đề này vào phim, các nhà làm phim đã có nguy cơ gây ấn tượng đối với một số khán giả rằng lý do "bí mật" mà Stevens tin vào sự bình đẳng là vì ông muốn mối quan hệ tình cảm xuyên chủng tộc của mình được hợp pháp hóa."[209]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thaddeus_Stevens http://www.britannica.com/EBchecked/topic/565949 http://www.historynet.com/thaddeus-stevens.htm http://jacobinmag.com/2012/11/lincoln-against-the-... http://search.proquest.com/docview/304361240 http://digitalcommons.buffalostate.edu/cgi/viewcon... http://housedivided.dickinson.edu/sites/emancipati... http://www.gettysburg.edu/about/college_history/ http://quod.lib.umich.edu/j/jala/2629860.0021.104?... http://bioguide.congress.gov/scripts/biodisplay.pl... http://bioguide.congress.gov/scripts/guidedisplay....